Căng và Đồn Nghĩa Lộ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Quảng cáo
Danh mục
  • Đang cập nhật
Hỗ trợ trực tuyến
Lượt truy cập
  • Hôm nay 231
  • Tổng lượt truy cập 442,577
Tag Cloud
Đang cập nhật

Căng và Đồn Nghĩa Lộ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Khu di tích lịch sử - văn hoá Căng và đồn Nghĩa Lộ, nơi đã từng diễn ra cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945 và cùng ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Khu di tích lịch sử - văn hoá Căng và đồn Nghĩa Lộ, nơi đã từng diễn ra cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945 và cùng ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Từ “Căng” tiếng Pháp có nghĩa là “tập trung tù chính trị”. Vào thời điểm năm 1944, phong trào cách mạng vùng căn cứ địa Việt Bắc dâng cao. Các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong nhà tù đế quốc luôn tìm cách vượt ngục ra ngoài hoạt động.

Trước tình hình ấy, chính quyền thực dân có ý định chuyển số tù chính trị ở Căng Bá Vân ( Thái Nguyên ) đi nơi khác. Vì vậy, tháng 2/1944 thực dân Pháp xây dựng kiên cố lại nơi giam tù ở đồi Pú Chạng (Nghĩa Lộ ) thành “ Căng “. Căng xây vững chắc gồm 3 dãy nhà dài , 2 dãy để giam tù chính trị nam, 1 dãy để giam các chiến sĩ nữ. Ba dãy nhà đó bị vây chặn bằng 3 lớp rào cả cây tre, nứa cắm chéo nhau, có hàng rào sâu bao quanh, dưới hào có cắm chông. Bên ngoài là trạm gác lính khố xanh, vũ khí luôn sẵn sàng, do đích thân đồn trưởng người Pháp là Xi- vê ( Civet) chỉ huy. Trung đội lính khố xanh này còn có viên Quản Nhượng, Đọi Mai, Cai Trúc cai quản.

Đầu năm 1945, gần 100 chiến sĩ cộng sản bị thực đân Pháp xiềng xích, giải từ Căng Bá Vân ( Thái Nguyên ) về Căng Nghịa Lộ, nói là đi “ an trí “ thực chất là chuyển đi  giam cầm, đầy ải rất dã man ở nơi xa xôi hẻo lánh Nghĩa Lộ. Trong thời gian ngắn, nhiều đảng viên cộng sản bị tra tấn , đánh đập, đày đoạ, mặc cho bệnh tật không cứu chữa, phải vùi thân tàn tạ trong rừng ổi.

Dù vậy, các tù chính trị vẫn thành lập Chi bộ Đảng trong Căng, thành lập Ban lãnh đạo tối cao ( gọi là Uỷ ban nhà tù ) gồm Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Sỹ Nghiêm, Nguyễn Văn Đối ( sau này lấy tên hoạt động là Vương Thừa Vũ ), Trần Huy Liệu, Trần Đức Sắc. Ngoài ra, Căng còn có Ban tuyên truyền, ấn loát, Ban địch vận – binh lương, Ban tham mưu, Ban y tế… Các tù chính trị chọn các chiến sĩ trẻ, khoẻ thành lập trung đội thường trực. Họ còn ra một tờ báo lấy tên “Đường nghĩa” do đồng chí Trần Huy Liệu phụ trách.

Ngày 9/3/1945, pháp xít Nhật đảo chính thực dân Pháp. Quân Pháp bại trận lũ lượt kéo nhau từ Yên Bái qua Nghĩa Lộ, lên Gia Hội, Tú Lệ tìm đường sang Vân Nam, Trung Quốc. Nắm lấy thời cơ, Uỷ ban nhà tù quyết định đấu tranh vũ trang, kết hợp với binh lính người Việt đã được giác ngộ thoát khỏi nơi giam cầm, trở về hoạt động.

Chị bộ nhà tù đã họp bàn, nhất trí lấy đêm 15/3/1945 tổ chức phá Căng. Theo kế hoạch cai Sinh, đã được các chiến sĩ cánh mạng  giác ngộ, chờ cho đội Quản Nhượng ngủ, sẽ khoá cửa, nhốt lại. Cai  Sinh cùng binh sĩ nội ứng sẽ mở cửa Căng cho anh em ra nhận súng, rồi cùng nhau chiếm đồn. Nhưng đến đêm hẹn, cai Sinh bị điều đi công cán vắng. Chi bộ quyết định lui đến đêm 18/3/1945 mới khởi sự. Đến chiều ngày 17/3/1945, viên Phó sứ Yên Bái Pen - li – ê (Penlie) qua Nghĩa Lộ, tạt vào kiểm tra Căng. Khi hắn vào, bất ngờ một tù chính trị ôm lấy, quật ngã. Thấy vậy Quản Nhượng ra lệnh nổ súng. Tranh thủ lúc hỗn loạn, các chiến sĩ ta phá rào, chạy ra ngoài. Nhiều người đã thoát, được nhân dân cưu mang giúp đỡ, về được chiến khu Vần. Một số người bị bắt lại, trong đó có đồng chí Nguyễn Phúc. Một số chiến sĩ hy sinh, sách báo ghi là 9 người: Nguyễn Văn Bảy, 40 tuổi, dân tộc Kinh, quê Phủ Lý; Nguyễn Doãn Duyệt, 38 tuổi, dân tộc Kinh, quê Hải Phòng; Nguyễn Văn Hiếu, 40 tuổi, dân tộc Tày, quê Lạng Sơn; Nguyễn Văn Hưng, 58 tuổi, dân tộc Tày, quê Lạng Sơn; Nguyễn Đăng Kim, 25 tuổi, dân tộc Kinh, quê Vĩnh Yên; Nhạc sĩ Đinh Nhu, 42 tuổi, dân tộc Kinh, quê Hải Phòng; Nguyễn Quang Phùng, 26 tuổi, dân tộc Tày, quê Bắc Sơn; Phan Quang Thẩm, 42 tuổi, dân tộc Kinh, quê Vũ Như, Thái Bình; Phạm Văn Uy, 28 tuổi, dân tộc Kinh, quê Hà Nam.

2.      Đồn Nghĩa Lộ

Mường Lò bị giặc Pháp chiếm lại tháng 10/1947, chúng đóng Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ ở đây. Phân khu quân sự Nghĩa Lộ gồm có: Cứ điểm Pú Chạng ( còn gọi là Nghĩa Lộ đồn cao ) nằm trên đồi Pú Chạng cao 250mét án ngữ đầu phố trông xuống Nghĩa Lộ phố có 300 quân, có 8 lô cốt, 15 ụ súng, có hầm kiên cố, có 3 đến 4 lớp hàng rào dây thép gai, xen kẽ là bãi mìn dày đặc; Cứ điểm Nghĩa Lộ ( còn gọi là Nghĩa Lộ đồn thấp ) cao hơn 15mét mặt đường, nằm ở Nghĩa Lộ phố kiểm soát con người trong phố và cánh đồng Mường Lò rộng lớn nối với các vùng đất của huyện Văn Chấn, có sân bay Nghĩa Lộ, có 500 quân đồn trú. Hai cái đồn ở vào thế ỷ tựa lẫn nhau, đều có công sự vững chắc. Chúng tin ta không thể đánh thắng.

Tháng 9/1951 Đại đoàn 312 phối hợp với tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn mở chiến dịch Lý Thường Kiệt màn 1. Đúng 4 giờ sáng ngày 03/10/1951 đánh vào Nghĩa Lộ, ta và địch đều bị thiệt hại. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ở ngay ngã tư gốc đa ( nay nằm trong khuôn viên của khách sạn Hoa Ban ), ta diệt 2 sĩ quan Pháp và một trung đội địch, bên ta bị hy sinh 23 chiến sĩ. Vì thế, cây đa này được gọi là cây đa lịch sử, đồng bào Nghĩa Lộ đã làm một cái miếu nhỏ dưới gốc đa để thờ cúng, tưởng nhớ 23 chiến sĩ của ta hy sinh.

Năm 1952 ta mở chiến dịch Tây Bắc. từ ngày 14 đến 18/10/1952, Đại đoàn 308 phối hợp với Đại đoàn 312, quân dân Yên Bái – Văn Chấn, Nghĩa Lộ đã san bằng toàn bộ Phân khu quân sự Nghĩa Lộ gồm 3 cứ điểm: Nghĩa Lộ đồn, Pú Chạng, Cửa nhì, mở cánh cửa thép cho bộ đội ta tiến vào tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điệm Biên Phủ, giải phóng Tây Bắc.

Chiến thắng Nghĩa Lộ là một thắng lợi to lớn thể hiện rõ nhất công tác chuẩn bị chu đáo, thực hành bao vây chặt, chọn hướng đột kích đúng, phối hợp các binh hoả lực đẹp.

Để tôn vinh chiến thắng Nghĩa Lộ, hiện nay tỉnh Yên Bái đã xây dựng cụm tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ trên đồi Pú Chạng ( nơi xưa kia là hệ thống đồn bốt thuộc đồn cao Pú Chạng của giặc Pháp ). Đó là một phần trong cụm di tích lịch sử - văn hoá Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia. Vào ngày 18/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống, ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.

-PT.1987-

Tin tức khác